Bệnh vảy nến là 1 trong số những bệnh viêm da thường gặp, tại Việt Nam chiếm khoảng 2 đến 3% dân số mắc phải. Là bệnh mãn tính thường gặp do tăng sinh tế bào và viêm gây tổn thương da, tạo thành những mảng đỏ bề mặt bong tróc có giới hạn rất rõ.
Trên thế giới khoảng 1 đến 2% dân số mắc bệnh này, mọi lứa tuổi đều có thể bị vảy nến, tuy nhiên bệnh thường khởi phát trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay khoa học vẫn chưa xác minh được nguyên nhân gây bệnh vảy nến chỉ nhận thấy bệnh có tính chất di truyền và do hệ miễn dịch. Tuy nhiên có một số điều kiện để gây bệnh như sau:
– Chấn thương: vẩy nến có thể xuất hiện ở những vùng da bị chấn thương thậm chí cả những vết trầy xước nhẹ.
– Nhiễm trùng: nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu trùng như viêm họng, viêm amidan có thể gây khởi phát vẩy nến giọt (một dạng vẩy nến) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh vẩy nến hiện mắc. Nhiễm HIV cũng làm nặng thêm bệnh vẩy nến.
– Thuốc: một số thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh vẩy nến như thuốc điều trị cao huyết áp (ức chế men chuyển, beta-blocker), kháng sốt rét tổng hợp (chloroquin), lithium, một số kháng viêm non-steroid (indomethacine), progesterone và corticosteroid.
– Stress: buồn phiền, lo lắng, giận dữ, stress thường dễ làm bùng phát và nặng thêm bệnh vẩy nến.
– Thời tiết: thời tiết lạnh và khô dễ gây bùng phát bệnh vẩy nến. Thời tiết nắng, nóng và ẩm thường làm giảm nhẹ bệnh. Tuy nhiên, một số người thường bùng phát bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nắng (vẩy nến nhạy cảm ánh sáng).
– Rượu và thuốc lá: làm nặng thêm bệnh vẩy nến.
Phân loại vảy nến
-Vảy nến thể mảng: các mảng da thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và vùng dưới lưng.
-Vảy nến mụn mủ: xuất hiện những mụn mủ ở vùng da tay và chân.
-Vảy nến giọt: các tổn thương có dạng giọt nước xuất hiện khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em sau một đợt viêm họng do nhiễm streptococci.
-Viêm khớp vảy nến: sưng các khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối…
-Vảy nến móng: móng dày và có những lỗ nhỏ trên bề mặt móng.
-Vảy nến da đầu: trên da đầu có vảy hay những mảng da dày màu trắng bạc.
-Vẩy nến nếp gấp: thường gặp ở người bị béo phì với các tổn thương ở các vùng nếp gấp của da như: nách, háng, mông…
Vẩy nến không lây từ người bệnh qua người khác cũng như không lây từ vị trí này sang vị trí khác trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, vẩy nến ngày nay nhiều nghiên cứu cho thấy có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố mẹ đều bệnh).
Biến chứng vảy nến để lại cho người bệnh
Vẩy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng người bệnh có thể bị các biến chứng sau:
– Đỏ da toàn thân.
– Vẩy nến mủ.
– Viêm khớp.
– Nhiễm trùng da.
– Nghiện rượu, thuốc lá.
– Tổn thương gan do thuốc, rượu.
– Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vẩy nến là yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch (nghĩa là dễ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch hơn) nhất là đối với những người vẩy nến nặng.
Điều trị vảy nến
Khi có dấu hiệu của bệnh vảy nên điều đầu tiên cần đến bác sĩ da liễu để được khám và điều trị, không nên tùy tiện mua thuốc tự sử dụng. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc trị liệu sinh học. Bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc da, tư vấn điều nên làm và không nên làm giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh.
No Comments