SỰ NGUY HIỂM CỦA BỆNH LUPUS BAN ĐỎ

Bệnh Lupus ban đỏ là căn bệnh nguy hiểm ít được biết đến, cơ thể có hệ thống miễn dịch giúp chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ. Mắc Lupus ban đỏ hệ thống khiến hệ thống miễn dịch mất khả năng phân biệt “lạ – quen” và chống lại cơ thể
Lupus ban đỏ hệ thống thường được gọi đơn giản là bệnh lupus, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1845 bởi Hebra. Đây là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.
Lupus ban đỏ hệ thống là vấn đề toàn cầu, với hàng triệu người mới mắc hàng năm trên thế giới nhưng xã hội còn ít biết đến sự tồn tại của nó. Theo nghiên cứu của Hội Lupus Mỹ, hiện nay nước này có khoảng 2 triệu người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, số người chết do bệnh tăng từ 879 năm 1979 lên 1.046 năm 2002 và 40% bệnh nhân đã phải nghỉ việc.
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, nơi chủ yếu tiếp nhận điều trị bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống ở các tỉnh phía bắc, bệnh nhân mắc bệnh này vào điều trị tại trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất với 400-500 người mỗi năm, chiếm hơn 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú.

Nguyên nhân gây bệnh Lupus ban đỏ
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh chính xác của lupus ban đỏ hệ thống chưa được biết rõ. Cơ chế bệnh sinh của bệnh là một quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch thể dịch, miễn dịch tế bào và yếu tố môi trường. Một số gen quy định phức hợp kháng nguyên phù hợp tổ chức như HLA-DR2,3,8, các gen mã hóa bổ thể C1q, C2, C4 và một số cytokin có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh cao. Nguyên nhân gây bệnh chính thức không được biết rõ, người ta cho rằng lupus ban đỏ hệ thống được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là các yếu tố:

– Di truyền: Anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường.
– Môi trường: Do nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hoá chất, ánh nắng mặt trời…
– Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Sau khi mãn kinh, cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.

Sự hình thành của bệnh

Biểu hiện của bệnh
Dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện từ từ theo tháng hay năm, triệu chứng của bênh khá đa dạng và thường nặng lên vào mùa đông.
Bệnh lupus có nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng một số triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lupus đó là:
– Đau hoặc sưng khớp
– Đau cơ
– Sốt không rõ nguyên nhân
– Ban đỏ, thường ở trên mặt
– Đau ngực khi hít thở sâu
– Rụng tóc
– Ngón tay hoặc ngón chân tái nhợt hoặc tím bầm
– Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
– Sưng ở chân hoặc xung quanh mắt
– Miệng loét
– Phình tuyến
– Cảm thấy rất mệt.
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm:
– Thiếu máu (giảm tế bào hồng cầu)
– Nhức đầu
– Chóng mặt
– Cảm thấy buồn
– Bối rối
– Co giật.
Các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất. Những thời điểm một người biểu hiện các triệu chứng được gọi là bùng phát, mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.Trong giai đoạn đầu của bệnh các triệu chứng rất mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên từ khi có dấu hiệu bệnh đến khi chẩn đoán ra bệnh có thể mất đến vài năm.

Điều trị bệnh Lupus ban đỏ
Bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được khi điều trị đúng, việc điều trị với mục đích giảm thiểu các triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng. Người bệnh cần tăng cường nghỉ ngơi trong giai đoạn cấp, cần chế độ vận động hợp lý tránh teo cơ và cứng khớp.
– Sử dụng thuốc chống viêm giảm đau riêng cho bệnh
– Thuốc chống sốt rét
Cho đến nay, chưa có một loại thuốc đông dược nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống. Do đó, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này vì chúng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể đe doạ tính mạng của họ.

Đối với người mắc bệnh Lupus ban đỏ
Người bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần có một cuộc sống lành mạnh, năng vận động, ít sang chấn tâm lý. Ngoài ra, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa. Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt corticosteroid cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh và do đó cũng cần được tránh

Author Info

dladmin@491

No Comments

Comments are closed.